Thứ Tư, 10 tháng 11, 2010

Đồ chơi gỗ không xuất xứ dễ gây rủi ro

Đồ chơi gắn liền với sự phát triển tâm sinh lý, trí tuệ của trẻ ngay từ khi chào đời và là "miền ký ức" đẹp đẽ khi đã lớn. Tuy nhiên, các ông bố bà mẹ đang phải bận tâm, lo lắng quá nhiều về chất lượng của đồ chơi trẻ em hiện nay, với nhiều rủi ro khó lường, nhất là các chất độc hại.
Đồ chơi trẻ em từ siêu thị cao cấp đến các chợ bình dân lúc nào cũng phong phú, đa dạng... Song, phong phú là vậy, nhưng vẫn có không ít điều phải e ngại...
Chất lượng, thông tin "mơ hồ"
Đồ chơi cho trẻ em đều là hàng nhập ngoại, chủ yếu từ Nhật Bản, Thái Lan, Hàn Quốc thông qua các nhà phân phối. Thông tin chủ yếu được ghi bằng ngôn ngữ bản địa, trừ địa chỉ của nhà phân phối tại Việt Nam. Khi mua đồ chơi cho con các bậc cha mẹ nhiều khi cũng không quan tâm đến xuất xứ nên không biết được thông tin về chất lượng, thành phần vật liệu của đồ chơi, mà thường mua đồ chơi chiều theo ý của con.

Theo Ts. Phạm Duệ, Giám đốc Trung tâm Chống độc, BV Bạch Mai cho biết: Nếu đồ chơi làm từ nhựa, chưa qua xử lý có thể chứa nhiều chất độc hại, phụ gia tạo màu, tạp chất, axit kim loại độc. Trẻ dưới 36 tháng tuổi thường xuyên cho vào miệng trong thời gian dài có thể gây tai biến, ảnh hưởng đến sức khỏe.
Có nhiều thông tin xung quanh loại keo sử dụng trong đồ chơi bằng gỗ của Trung Quốc có chứa nhiều chất formaldehyde, một hóa chất gây ung thư cho người nếu ngửi mùi, hay tiếp xúc với nó. Rồi sơn có chứa nhiều chì trong một số loại đồ chơi khiến cho nhiều bậc cha mẹ lo lắng
Cách phân biệt không dễ
Cách phân biệt để người tiêu dùng mua hàng chủ yếu là "phán đoán". Hàng "Tầu" thì khỏi mua, còn chất độc hại? Điều này khiến ngưởi tiêu dùng không khỏi hoang mang, lo lắng nhưng cũng đành "bó tay" bởi không có cách nào để phân biệt được.
Như vậy, đồ chơi có yếu tố độc hại hay không người tiêu dùng cũng khó nhận biết, chỉ có những nhà sản xuất mới biết các sản phẩm của mình có đạt tiêu chuẩn chất lượng và cũng chỉ họ mới biết nó có thật sự an toàn cho trẻ. Vậy thì cách tốt nhất là...
... Kiểm soát ngay từ đầu
Ts. Phạm Duệ cho rằng: Hiện tại, chưa có cách xử lý nào hiệu quả các đồ chơi nếu có chứa chất độc hại. Cách vệ sinh đồ chơi phổ biến là khi mua về nên rửa đồ chơi bằng các chất tẩy rửa nhẹ hoặc xục vào máy ozon để khử trùng bề mặt và vệ sinh hằng ngày. Nhưng cách này chỉ là giải pháp tâm lý, chất độc hại khó có thể mất đi. Chúng cũng không đủ mạnh để gây nguy hiểm ngay lập tức hoặc có thể dễ dàng xâm nhập vào cơ thể của trẻ, chỉ khi một thời gian dài sau đó mới có những biểu hiện hoặc ảnh hưởng tới sức khỏe. Tốt nhất là cha mẹ hãy hạn chế không cho trẻ ngậm đồ chơi hoặc mút tay. Đồng thời, tránh xa những đồ chơi không rõ nguồn gốc xuất xứ, đồ chơi nhập lậu.
Hiện nay, vì quan tâm đến sự phát triển của trẻ ngay từ nhỏ nên đồ chơi các gia đình mua rất nhiều cho con. Trong số đó, đồ chơi không rõ nguồn gốc, xuất xứ chiếm chủ yếu. Số lượng nhiều thì vệ sinh đồ chơi càng khó bởi vậy, ngay từ đầu để an toàn điều quan trọng nhất là phải cân nhắc khi chọn đồ chơi cho trẻ. Chọn những đồ chơi có xuất xứ rõ ràng, đọc kỹ hướng dẫn về tuổi của trẻ có ghi trên bao bì hoặc những lời cảnh báo. Ví như, đồ chơi chỉ dành cho bé từ 3 - 6 tuổi, tuyệt đối không sử dụng cho trẻ dưới 3 tuổi, nhưng với trẻ trên 3 tuổi mà có thói quen cho các đồ vật vào miệng thì những đồ chơi này vẫn gây nguy hiểm cần tránh tuyệt đối.
Đặc biệt, không mua những đồ chơi có nước (chủ yếu dạng nước công nghiệp), các hạt nhựa dẻo vì trẻ rất dễ làm vỡ hoặc nuốt khiến trẻ bị ngộ độc tức thì.
Ts. Phạm Duệ khẳng định các bậc cha mẹ cũng không nên lo lắng quá, bởi sau thời gian trẻ ngứa răng và cho mọi thứ vào miệng kéo dài không lâu, khi trẻ lớn hơn hành động "mất vệ sinh" sẽ mất theo. Đồng thời, để ngăn chặn cha mẹ cũng cần giúp trẻ hiểu rằng việc ngậm, mút đồ chơi là không tốt, tránh tạo thành thói quen cho trẻ khi chơi đồ chơi.
Chất độc hại từ đồ chơi với rủi ro khó lường, thì những thông tin khuyến cáo trên nhắc nhở bậc cha mẹ - người "giám hộ" của con biết kiểm soát đồ chơi từ khi mua đến khi cho trẻ tiếp xúc để những nguy cơ tiềm ẩn không có điều kiện xảy ra và ảnh hưởng đến sức khỏe và tương lại sau này của trẻ.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét